CHIẾN LƯỢC TIN TỨC

Những kiểu cơ cấu tổ chức trong doanh nghiệp

Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp là cụm từ không còn xa lạ trong các tổ chức kinh doanh. Có thể nói bên cạnh bộ máy quản trị thì cơ cấu tổ chức doanh nghiệp là điều kiện quan trọng trong việc thực hiện và đạt được mục tiêu chiến lược doanh nghiệp đã đề ra trước đó.

Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp
Cơ cấu tổ chức là điều kiện quan trọng để thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp

Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp là gì?

Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp là tổng hợp các bộ phận (đơn vị và cá nhân) khác nhau, có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, được chuyên môn hóa; có những trách nhiệm, quyền hạn nhất định nhằm thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu kinh doanh chung của doanh nghiệp. Hoạt động chính thức này bao gồm nhiều công việc riêng rẽ cũng như các công việc tập thể.

Đây là hình thức phân công lao động trong lĩnh vực quản trị, có tác động đến quá trình hoạt động của hệ thống quản trị. Có thể nói, cơ cấu tổ chức vừa phản ánh cơ cấu sản xuất, mặt khác tác động tích cực trở lại việc phát triển sản xuất.

Tại sao doanh nghiệp cần có cơ cấu tổ chức?

– Trong một doanh nghiệp, tuy có nhiều bộ phận có chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng đều hướng đến sự thống nhất và tập trung để hoàn thành mục tiêu của tổ chức đã được xác định trước đó.
– Mỗi thành viên đều có chỗ đứng, vai trò nhất định và nỗ lực cống hiện sức lực cho các hoạt động chung, tăng hiệu suất và kết quả làm việc cho doanh nghiệp.
– Sự phân công lao động cho các thành viên được đảm bảo tính chuyên môn hóa, tập trung vào một việc nhất định, nâng cao khả năng trách nhiệm nghề nghiệp và tránh sự phân tán, đảm bảo đúng người, đúng việc, hợp tình, hợp lý. Việc phân công này sẽ có tác động tốt đến hiệu quả hoạt động của tổ chức.
– Trong công ty/ doanh nghiệp, yếu tố dễ nhận thấy nhất là sự thống nhất về quyền lãnh đạo. Đây là điều kiện cơ bản để tạo nên tính trật tự, kỷ luật, đảm bảo các hoạt động khác nhau được đi theo một định hướng nhất định. Đồng thời, góp phần tạo ra sự cố gắng, nỗ lực, tính trách nhiệm trong việc của mỗi thành viên dưới sự chỉ đạo chung, tạo nên phương thức làm việc khoa học, hiệu quả.

Sự thống nhất về quyền lãnh đạo tạo nên ý thức kỷ luật

Những kiểu cơ cấu tổ chức doanh nghiệp phổ biến

Cơ cấu tổ chức trực tuyến (đường thẳng)

Là loại hình cơ cấu có 1 cấp trên và một số cấp dưới. Các vấn đề được giải quyết theo đường thẳng. Lãnh đạo là người trực tiếp chịu toàn bộ trách nhiệm điều hành các hoạt động của doanh nghiệp. Những người thực hiện chỉ làm theo mệnh lệnh của một người duy nhất.

Loại hình cơ cấu tổ chức này rất đơn giản, nhưng lại đề cao và đòi hỏi người lãnh đạo có kiến thức toàn diện, tài năng. Những chuyên gia về từng mặt quản trị được sử dụng một cách hạn chế, việc phối hợp giữa các nhân viên cũng phức tạp và gặp nhiều khó khăn.

Cơ cấu chức năng

Thể hiện ở sự phân chia nhiệm vụ của các đơn vị theo chức năng riêng và hình thành những lãnh đạo chuyên môn hóa, đảm nhận một công việc nhất định.

Ưu điểm lớn của cơ cấu tổ chức này là giảm bớt áp lực quản trị cho người quản trị vì thu hút được các chuyên gia tham gia vào công việc lãnh đạo. Tuy nhiên, loại hình cơ cấu này buộc nhà quản trị phải phối hợp chặt chẽ hoạt động của các lãnh đạo chức năng, hệ thống nhân viên phải thừa hành nhiệm vụ từ nhiều người khác nhau nên không thể tránh khỏi sự rối rắm, phức tạp trong quá trình tiến hành các hoạt động.

Cơ cấu trực tuyến chức năng

Là sự kết hợp giữa hai cơ cấu tổ chức trên và mang lại tính hiệu quả cao nhất. Nó bao hàm mọi ưu điểm của các cơ cấu khác và đáp ứng được đầy đủ các nguyên tắc phải có của một cơ cấu toàn diện và tốt nhất.

Cơ cấu ma trận

Cơ cấu ma trận là kiểu tổ chức áp dụng để thiết kế cơ cấu cho toàn bộ hệ thống, cũng như để thành lập cơ cấu bên trong hệ thống hoặc các bộ phận. Ngoài những lãnh đạo theo tuyến hoặc chức năng, còn xuất hiện những vị trí lãnh đạo theo đề án hoặc sản phẩm. Khi triển khai cơ cấu tổ chức này, mỗi nhân viên hoặc các bộ phận thực thi đều được gắn cùng với một đề án hoặc sản phẩm nhất định.

Cơ cấu ma trận áp dụng để thành lập các cơ cấu nhỏ bên trong hệ thống

Bên cạnh đó còn có các cơ cấu khác như cơ cấu tổ chức vệ tinh; cơ cấu tạm thời; cơ cấu tổ chức chương trình mục tiêu…Mỗi loại đều có đặc điểm khác biệt và thường được triển khai trong quá trình thực hiện các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn.

Mỗi cơ cấu tổ chức doanh nghiệp đều có những ưu và nhược điểm riêng. Áp dụng theo mô hình cơ cấu nào còn tùy thuộc vào quyết định của người lãnh đạo và tình hình thực tế của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, khi xây dựng cơ cấu tổ chức cần hướng đến mục đích chính là hoạt động vận hành doanh nghiệp được diễn ra suôn sẻ, trơn tru và hiệu quả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *