văn hóa doanh nghiệp
NHÂN SỰ TÀI LIỆU QUẢN TRỊ

Những yếu tố chính tạo nên văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa có vai trò quan trọng trong hoạt động của một doanh nghiệp. Đây được coi là kim chỉ nam dẫn dắt doanh nghiệp đi đến sự thành công. Một môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh sẽ thu hút và giữ chân được nhân lực xuất sắc, đồng thời là sợi dây gắn kết mọi người lại với nhau để tạo nên sức mạnh hoàn thành mục tiêu chung

Hiểu đúng về văn hóa doanh nghiệp

Có hơn 300 định nghĩa về khái niệm văn hóa doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, đây được hiểu là những giá trị, niềm tin, hình thức được mọi người trong một doanh nghiệp cùng công nhận và suy nghĩ, ứng xử theo những giá trị đó. Xét về lâu dài, văn hóa là  yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành bại của một tổ chức/ công ty.

van-hoa-cong-ty-va-mo-hinh-van-hoa-doanh-nghiep-denison-2.jpg
Xây dựng văn hóa trong môi trường doanh nghiệp là việc làm cần thiết

Có thể kể đến một vài định nghĩa khác nhau về khái niệm này:

– “VHDN là những niềm tin, thái độ và giá trị tồn tại phổ biến và tương đối ổn định trong doanh nghiệp”. (Williams, A., Dobson, P. & Walters, M.).

– “Phẩm chất riêng biệt của tổ chức được nhận thức phân biệt nó với các tổ chức khác trong lĩnh vực”. (Gold, K.A.)

Như vậy, khái niệm về văn hóa trong môi trường doanh nghiệp đều xoay quanh vấn đề tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi được đúc kết qua nhiều năm.

Văn hóa có vai trò to lớn đối với mỗi doanh nghiệp:

• Văn hóa là yếu tố chi phối đến mọi hoạt động và kết quả mà doanh nghiệp đó đạt được. Doanh nghiệp không gây dựng được nền văn hóa riêng sẽ không nhất quán trong hành động và không có định hướng mục tiêu.

• Mỗi tổ chức kinh doanh phát triển lớn mạnh đều có nền văn hóa vững chắc và hoàn thiện. Nếu cơ sở vật chất và trang thiết bị là phần xác thì văn hóa là phần hồn. Đây cũng được coi là tài sản vô hình tạo nên sức mạnh từ bên trong của tập thể và mỗi cá nhân. Là cái đích mọi người nhắm tới để nâng cao hiệu suất công việc.

• Văn hóa là công cụ triển khai các chiến lược doanh nghiệp đã đề ra. Văn hóa công ty tạo ra niềm tự hào cho mỗi nhân viên. Từ đó họ sẽ phấn đấu vì mục tiêu chung một cách chủ động, góp phần tạo nên sức mạnh cạnh tranh và sự ổn định, bền vững của tổ chức.

Các yếu tố cấu thành VHDN

1. Tầm nhìn

Tầm nhìn là viễn cảnh trong tương lai mà doanh nghiệp muốn tạo ra. Một tầm nhìn lớn sẽ tạo nên một doanh nghiệp lớn. Đó cũng chính là bản phác thảo mục tiêu dài hạn và những việc doanh nghiệp cần làm để đạt được mục tiêu đó. Những tổ chức  khác nhau sẽ có tầm nhìn khác nhau. Tầm nhìn cũng chính là yếu tố để duy trì văn hóa tại doanh nghiệp qua nhiều thế hệ.

2. Giá trị

Giá trị này bao gồm giá trị vô hình và hữu hình. Những giá trị này là nền tảng cốt lõi và trở thành quy ước chung trong hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, góp phần hình thành phong cách làm việc đặc trưng, sự sáng tạo,, tôn trọng lẫn nhau đối với từng cá nhân trong doanh nghiệp.

3. Con người

Là trung tâm của mọi hoạt động nên thường được đặt lên vị trí hàng đầu. Giá trị con người thể hiện ở hành động, tư duy, sự sáng tạo, hiệu suất công việc. Những cá nhân xuất sắc sẽ tạo nên tập thể vững mạnh và quyết định tầm nhìn, giá trị cốt lõi, sứ mệnh để hiện thực hóa các mục tiêu doanh nghiệp đưa ra. Con người cũng là  giá trị bất biến theo thời gian và song hành cùng quá trình tồn tại của doanh nghiệp.

VHDN.jpg
Con người cũng là một trong các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp

4. Thực tiễn

Là môi trường để nêu cao giá trị doanh nghiệp đã đề ra. Chỉ nhờ vào thực tiễn thì tất cả mới được chuyển hóa thành hiện thực chứ không còn là khẩu hiệu nữa. Người lãnh đạo cần khuyến khích nhân viên thảo luận và đề ra những giá trị phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp. Có như vậy mới mong chuyển hóa những giá trị vô hình thành giá trị thực.

5. Môi trường làm việc mở

Là xu hướng mới trong các doanh nghiệp. Môi trường linh hoạt, không gò bó sẽ là yếu tố quan trọng để tăng hiệu quả công việc của mỗi nhân viên. Đồng thời khuyến khích khả năng sáng tạo, sự gắn bó với công ty/doanh nghiệp. Vì vậy, tùy vào tình hình của từng doanh nghiệp mà nhà quản lý nên có sự điều tiết công việc phù hợp cho nhân viên của mình. Tránh tình trạng quá áp lực căng thẳng.

Văn hóa doanh nghiệp
Môi trường làm việc mở là xu hướng mới của các doanh nghiệp

6. Câu chuyện

Sự ra đời, quá trình phát triển của mỗi doanh nghiệp đều đi liền với một câu chuyện. Vì thế, câu chuyện trở thành sức mạnh của doanh nghiệp. Nếu được truyền bá tới nhân viên sẽ trở thành nguồn cảm hứng để từng cá thể gìn giữ những thành tựu thế hệ đi trước để lại. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu rất cần thiết. Đây là yếu tố quyết định sự trường tồn của một doanh nghiệp và là quá trình đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi thành viên. Có như vậy, doanh nghiệp mới  đạt được thành công trên con đường chinh phục từng chặng đường mà mình đã chọn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *